Đại sứ Pháp: 'Ở Việt Nam tôi thấy như ở nhà'

Thứ ba, 15/1/2013, 16:15 GMT+7

Đại sứ Pháp: 'Ở Việt Nam tôi thấy như ở nhà'

Việt Nam là đất nước mà đại sứ Pháp Jean Noel Poirier quan tâm suốt 30 năm qua, là một phần cuộc sống của ông và là nơi ông cảm thấy như ở nhà.

Trong 60 phút trả lời các câu hỏi trực tuyến của độc giả VnExpress, ông Poirier nói về nhiều mặt mối quan hệ phong phú và lâu dài giữa Việt Nam và Pháp, và cả những tình cảm cá nhân ông dành cho Việt Nam. Dưới đây là nội dung:

- Xin chào ngài đại sứ, chúc ngài sức khỏe. Câu hỏi của tôi là ngài thấy Hà Nội thế nào, so với TP HCM thì ngài thích thành phố nào hơn? (Huỳnh Hoàng Giang, 50 tuổi, TP Hồ Chí Minh)

- Tôi rất thích sống ở Việt Nam, dù đó là Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Tôi từng công tác tại TP HCM. Bây giờ tôi mới ra Hà Nội và thấy rằng đây là thành phố duyên dáng, mặn mà. Tôi thường đi bộ để khám phá Hà Nội.

- Ngài có thể cho biết cơ duyên nào mà ngài Đại sứ đến đảm nhận công tác tại Việt Nam. Việc đó có phần nào tùy thuộc vào ý nguyện của Ngài không, ý kiến của bố, mẹ, vợ, con và người thân trong gia đình của Ngài tác động đến mức nào, hay thuần túy do Ngài được Bộ Ngoại giao Pháp bổ nhiệm? (Vân Phạm, 54 tuổi, Hà Nội)

- Việt Nam quả thật là một nước mà tôi mong muốn được làm đại sứ. Tôi đã quan tâm đến Việt Nam từ 30 năm nay rồi. Từ khi là sinh viên, tôi đã học tiếng Việt. Tôi cảm thấy ở Việt Nam rất thoải mái. Vợ tôi cũng là người gốc Việt và do vậy 3 đứa con của tôi cũng mang trong mình dòng máu Việt. Ở Việt Nam, tôi cảm thấy như ở nhà mình. Đương nhiên, là đại sứ Pháp, tôi phải nỗ lực hết sức để bảo vệ những quyền lợi của Pháp và thúc đẩy quan hệ Pháp-Việt Nam.

Đại sứ Pháp Poirier tại tòa soạn VnExpress.

- Xin ngài Đại sứ cho biết mối quan hệ hợp tác của Việt Nam và Pháp sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, hàng không và điện hạt nhân những lĩnh vực mà Pháp rất có kinh nghiệm? (Nguyễn Kim Thanh, 46 tuổi, Hà Nội)

- Lĩnh vực điện hạt nhân, hàng không, công nghệ quốc phòng là lĩnh vực đầy triển vọng trong hiện tại và tương lai của Việt Nam. 80% máy bay của Vietnam Airlines là Airbus. Việt Nam cũng rất hài lòng về chất lượng của Airbus, chúng tôi cũng rất hài lòng mối quan hệ trên.

Về quốc phòng, đây là mối quan hệ chiến lược, thường xuyên, phía Việt Nam cũng quan tâm đến nhiều đến các dự án hợp tác quân sự.

Về hạt nhân, Pháp có số lượng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Ngay trong những dự án với Nga và Nhật, cũng có những thiết bị liên quan đến công nghệ Pháp. Cả 3 lĩnh vực đều thuộc công nghiệp nặng triển khai trong thời gian dài từ 10 đến 20 năm.

- Pháp là nước có diện tích mặt biển quản lý đứng thứ 2 thế giới (sau Mỹ). Việt Nam cũng có đường bờ biển dài và một cơ cấu kinh tế và quản lý, an ninh biển cần phát triển. Pháp có thể khai thác thế mạnh về kinh nghiệm biển của mình để gia tăng hợp tác với Việt Nam? (Trần Bình, 37 tuổi, Nghệ An)

- Hai bên đã có thỏa thuận hợp tác. Việt Nam đã mua những máy bay của Pháp để phục vụ công tác cứu hộ. Hai nước cũng có chương trình hợp tác để trang bị thiết bị định vị vệ tinh cho các tàu Việt Nam, giúp họ có thông tin khi tham gia cứu hộ. Quả thực chúng tôi có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với Việt Nam.

- Cá nhân ngài có suy nghĩ gì về tình hình biển Đông hiện nay. Nước Pháp hiện có hỗ trợ gì về mặt quân sự cho Việt nam không ? (Tạ Mạnh Hùng, 34 tuổi, TP HCM)

- Các tranh chấp chủ quyền trên khu vực Biển Đông cần phải được giải quyết đúng theo thương lượng và luật pháp quốc tế. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế và đối thoại. Chúng tôi hiểu rằng đây là một hồ sơ phức tạp, trong đó tất cả các đối tác trong khu vực đều có liên quan. Luật Biển và Luật quốc tế chính là cơ sở để giải quyết vấn đề này.

- Trong cán cân thương mại Pháp - Việt gần đây, Việt Nam luôn là nước xuất siêu. Đáng chú ý là giá trị xuất siêu có xu hướng ngày càng gia tăng. Pháp có những khó khăn gì và đã có chính sách nào để đẩy mạnh hàng hóa Pháp vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là hàng máy móc công nghiệp, chuyển giao công nghệ,... Mà Việt Nam rất cần trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. (Lê Văn Đạt, 55 tuổi, Hà Nội)

- Quả thực trong cán cân thương mại giữa hai nước, Pháp đang bị thâm hụt nhiều hơn. Chúng tôi phải nhập nhiều sản phẩm tiêu dùng mà phía Pháp ít sản xuất. Đây là tình trạng chung của các nước trong khối EU. Xuất khẩu từ Pháp sang VN có tăng nhưng ít hơn từ VN sang Pháp. Những lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu sang VN là hàng không dân dụng, dược phẩm, các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp. Các doanh nghiệp Pháp mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang VN và mang đến VN những công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, điều đó còn tùy thuộc vào VN và các hợp đồng gọi thầu từ các doanh nghiệp VN.

- Tôi muốn hỏi ngài đại sứ trong trường hợp Việt Nam và các bên liên quan đưa vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra giải quyết tại tòa án quốc tế thì Pháp có đứng ra xác nhận những việc làm của mình thời kì Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp hay không? (Bùi Quang Khôi, 59 tuổi, Quảng Bình)

- Phía Pháp đã tạo điều kiện để các chính quyền Việt Nam tiếp cận các tài liệu về vấn đề Biển Đông. Chúng tôi cũng đã trao những tài liệu tương tự cho các nước liên quan. Pháp không liên quan trực tiếp tới các tranh chấp trong khu vực.

- Biết rằng ngài Đại sứ rất thông thạo tiếng Việt nên em xin hỏi bằng tiếng Việt. Em đã là học sinh của chương trình bilingue, em yêu thích hơn về văn hóa và con người đất nước ngài. Nhưng chương trình bilingue đang bị thu hẹp lại và kết quả là chất lượng giảng dạy không còn tốt nữa và rất nhiều thầy cô dạy tiếng Pháp phải nghỉ dạy vì nhiều lý do. Thưa ngài sẽ có những hỗ trợ cũng như biện pháp gì để cải thiện và nâng cao hơn việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam? (Phạm Tuấn Kiệt, 22 tuổi, Hà Nội)

- Chương trình song ngữ đã được triển khai 15 năm nay và rất thành công. Trong những năm gần đây, cơ quan đại học Pháp ngữ điều hành chương trình này. Chúng tôi mong muốn chương trình này ngày càng được nâng cao chất lượng. Chúng tôi đang hợp tác với nhiều trường ở các thành phố lớn của Việt Nam. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể gặp một số vấn đề nào đó nhưng tôi cho rằng đó là điều bình thường trong cuộc sống. Về tổng thể, chúng tôi hài lòng về kết quả của chương trình này và sẽ tiếp tục ủng hộ cho chương trình.

- Trong một bài báo trên VnExpress có một điều thú vị là Ngài rất thích phở bò của Việt Nam. Cháu cũng thích nó. Điều cháu thắc mắc là tại sao món ăn của Pháp lại không thấy phổ biến ở Việt Nam như món VN tại Pháp, trong khi hai quốc gia chúng ta có mối quan hệ truyền thống lâu đời hơn nhiều quốc gia khác đối với Việt Nam. Hay tại cháu không biết điều đó? Ngài có ý định làm việc gì đó tại Việt Nam liên quan đến ẩm thực không? (Nguyễn Văn Hiệp, 22 tuổi, Hà Nội)

- Ẩm thực VN rất nổi tiếng ở Pháp không những chỉ độc đáo mà còn có lợi cho sức khỏe. Cá nhân tôi tôi không đồng ý với bạn, ẩm thực của Pháp tại VN cũng khá phổ biến, có khá nhiều quán ăn của Pháp do người Việt hoặc người Pháp làm chủ khá thành công. Thậm chí món phở bò có yếu tố Pháp-Việt trong đó.

- Cá nhân tôi rất yêu thích dòng phim hài của Pháp, nhưng ở Việt Nam, tôi không biết xem chúng ở đâu cả. Nguời Trung Quốc vào Việt Nam với dòng phim cổ trang, người Hàn với các loại phim nhiều tập, tại sao người Pháp không tạo ấn tượng với người Việt bằng các phim hài (cái hài của người Pháp, theo tôi, rất gần với người Việt), hoặc các phim có nội dung giàu tính nhân văn mà không dài dòng. Hình như đây là thế mạnh của nền điện ảnh Pháp thì phải. (Ph Phúc, 23 tuổi, TP HCM)

- Điện ảnh là một ngành công nghiệp chịu nhiều quy định về sản xuất, quản lý. Trong số 100 phim nước ngoài tại rạp ở Việt Nam thì có khoảng 6 phim của Pháp. Những phim được chiếu nhiều nhất ở Việt Nam là những phim của Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước trong khu vực. Chúng tôi hy vọng số lượng phim Pháp tại Việt Nam sẽ tăng, song đó phải là những phim thu hút được nhiều khán giả. Quả thực đây là một thị trường mà muốn phát triển nó, chúng ta phải thương lượng trực tiếp với các hãng sản xuất phim. Trong năm 2013, nhiều chương trình quảng bá phim Pháp tại Việt Nam sẽ được thực hiện. Chúng tôi sẽ tổ chức các buổi chiếu phim ở Hà Nội, TP HCM, Đà Lạt và tổ chức hoạt động chiếu phim di động ở nhiều tỉnh, thành khác.

- Vì sao trong ảnh logo năm Pháp tại Việt Nam, bên tiếng Pháp là 2013, bên tiếng Việt là 2014. Tôi chưa hiểu. (Bích Ngọc, 21 tuổi, Huế)

- Chương trình năm Pháp tại Việt Nam không chỉ chọn ra một năm công lịch. Hoạt động của chương trình này chủ yếu diễn ra vào quý 3, quý 4 năm 2013 tại VN. Trong khi đó, các hoạt động VN tại Pháp lại chủ yếu diễn ra trong năm 2014. Điều này đã được chính phủ hai nước thỏa thuận với nhau.

- Thưa Ngài Đại sứ! Tôi người Hà Nội, sống tại Sài Gòn từ sau 1975. Văn phòng công ty của tôi ở Công trường Quốc Tế-Quận 3. Đã 37 năm nay tôi thường đi ngang qua Tòa nhà Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM. Xin phép hỏi Ngài : Nhân dịp này chúng ta có nên làm cho tòa nhà Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM sáng hơn, đẹp hơn và thân thiện hơn với người dân VN. Kính chúc Ngài Đại sứ có thêm nhiều Sức Khỏe, thêm nhiều Niềm Vui, thêm nhiều Bạn Mới, và Thành Công. Trân trọng! (Vũ Duy Hùng, 38 tuổi, Tp HCm)

- Tòa Lãnh sự Pháp tại TP HCM là tòa nhà đẹp tại thành phố. Năm 2000 đã được nâng cấp toàn diện, chúng tôi đã có giữ nét đẹp ban đầu của nó trong quá trình cải tạo. Vào tháng 9, chúng tôi có "ngày di sản" mở cửa cho khách thăm quan, năm nay chúng tôi cũng dự định như vậy.

- Xin chào ngài đại sứ, hiện tại để xin visa đi Pháp, có rất nhiều thủ tục và có lúc dù có giấy tờ đầy đủ thì cũng không được đại sứ quán cấp visa. Vậy chính phủ Pháp mà cụ thể hơn là đại sứ quán Pháp có những thay đổi gì không để tạo điều kiện cho du khách Việt Nam có thể dễ dàng đi thăm nước Pháp xinh đẹp? (Nguyễn Đình Hiệp, 39 tuổi, Thái Thịnh, Đống Đa, HàNội)

- Thực ra số lượng visa bị từ chối rất ít. Chẳng hạn, ở Hà Nội, tỷ lệ bị từ chối chỉ khoảng dưới 10%. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt hơn nữa để đơn giản hóa thủ tục xin visa. Ví dụ, trước đây người dân phải xếp hàng để xin visa, nhưng bây giờ chúng tôi sẽ hẹn mỗi người vào một thời điểm cụ thể để họ đỡ phải chờ đợi. Các hồ sơ xin visa sẽ được xử lý nhanh chóng.

Quả thực, hồ sơ xin visa đòi hỏi nhiều loại giấy tờ. Song đó là quy định chung, giống như ở các nước khác.

- Tôi rất ấn tượng với tàu cao tốc TGV của Pháp và rất mong muốn loại tàu tương tự sẽ có ở Việt Nam. Trong tương lai, liệu Pháp có thể chia sẻ kinh nghiệm và giúp Việt Nam xây dựng hệ thống tàu cao tốc như vậy không? (Bùi Quốc Cường, 24 tuổi, Hà Nội)

- Đây là quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào chính phủ Việt Nam. Hiện tại, chính phủ Việt Nam chưa có ý định phát triển tàu TGV tại Việt Nam mà chỉ có dự án xây dựng tàu cao tốc.

- Điểm nào là đặc thù trong hiệp định đối tác chiến lược mà Pháp dự định kí kết với Việt Nam? Lộ trình nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cụ thể như thế nào? (Lê Văn Đạt, 55 tuổi, Hà Nội)

- Chúng tôi đang trong quá trình đàm phán về vấn đề này. Mục tiêu chung là tăng cường mạnh mẽ hơn nữa, hai bên có trao đổi về các vấn đề liên quan đến chiến lược và an ninh của thế giới, bám sát mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Đây có thể coi là trục cơ bản để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên mà cả hai nước đều mong muốn.

- Ngài quan tâm tới mối quan hệ nào nhất trong quan hệ Việt-Pháp ?. (Lưu Tiến Lễ, 60 tuổi, Hà nội)

- Tôi luôn quan tâm tới những vấn đề liên quan tới tương lai. Chúng ta đã có một bề dày lịch sử. Mối quan hệ Pháp-Việt cũng là điều rất đáng để chúng ta tự hào. Tôi mong rằng chúng ta phải bắt đầu khởi động những dự án hợp tác chung ngay từ bây giờ để 20 năm nữa chúng ta có thể tự hào về những dự án đó.

- Cộng đồng người Việt tại Pháp hưởng lợi từ quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp như thế nào? Hiệp định đối tác chiến lược Việt - Pháp có kéo theo các chính sách ưu tiên cộng đồng người Việt Nam tại Pháp không? Ví dụ thủ tục cấp giấy phép lao động, điều kiện nhập quốc tịch,... Nếu có thì như thế nào? (Lê Đạt, 43 tuổi, Hà Nội)

- Thỏa thuận về mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước là nhằm hỗ trợ chung cho tất cả mọi người, chứ không phải cho bất kỳ nhóm đối tượng nào.

- Tôi nghe nói CP Pháp có hỗ trợ Dự án giúp Việt Nam xây dựng lại cây cầu Long Biên - do KTS Pháp Efel thiết kế nay chưa thấy đông tĩnh gì cả ... Mà không chỉ riêng tôi, rất nhiều người dân VN rất mong chờ dự án được triển khai ... Nếu dự án này chưa có thì ông có ý tưởng về việc này không ạ?Hoặc xa hơn nữa là 1 dự án tư vấn làm sao để bảo tồn được kiến trúc Pháp tại VN và HN nói riêng? Chúc ông sức khỏe dồi dào và thành công cho nhiệm kỳ của mình tại VN. Trân trọng. (Trần Việt Thanh, 30 tuổi, TP HCM)

- Thông tin bạn có rất chính xác. Pháp đã đề xuất hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho việc xây dựng lại cầu Long Biên. Thực tế, đề nghị này đã có vài năm nay rồi. Gần đây, trong một số cuộc gặp giữa hai bên, tôi có đề cập lại dự án này với chủ tịch UBND HN và Bộ GTVT. Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ có bước chuyển mình thật sự trong thời gian sớm nhất.

- Xin chào ngài Đại sứ! Tôi hiện là sinh viên khoa Ngữ văn Pháp, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Xin ông cho biết chính phủ Pháp có biện pháp gì để cải thiện việc dạy và học tiếng Pháp ở Việt Nam hay không? Hiện nay, các sinh viên đã tốt nghiệp ở khoa tôi gặp nhiều khó khăn khi xin việc và thường phải làm việc trái ngành. Xin ông cho biết về cơ hội việc làm của các sinh viên ngành tiếng Pháp trong những năm tới? (Bảo Ngọc, 20 tuổi, TP HCM)

- Trước hết tôi xin chào mừng bạn sinh viên đặt câu hỏi, bởi ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh là trường mà tôi từng học tiếng Việt cách đây 12 năm.

Về mục tiêu của việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam, chúng tôi không chỉ muốn người Việt học tiếng Pháp, mà còn muốn giảng dạy tiếng Pháp trong những ngành nghề quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai, như quản lý, kỹ sư, công nghệ. Biết thêm tiếng Pháp hay một ngoại ngữ nào đó là một ưu thế trên thị trường lao động.

Tuy nhiên, làm chủ một ngôn ngữ không phải là ưu thế để chúng ta khẳng định bản thân khi tìm việc. Khi tôi còn là sinh viên, tôi đã học tiếng Trung Quốc và tiếng Việt. Nhưng các thầy giáo của tôi nói rằng chỉ ngoại ngữ thôi thì chưa đủ. Họ khuyên tôi học thêm một chuyên môn nữa.

- Kính thưa Ngài đại sứ, hàng năm chính phủ pháp có tài trợ bổng toàn phần cho sinh viên sau đại học du học ngành y không ạ? (Nguyễn Nhựt Bình, 30 tuổi, Cần Thơ)

- Thực chất ngành y là một trong những ngành rất phát triển trong quan hệ hai nước từ 20 năm nay. Có khoảng 4.000 bác sĩ VN từng được đào tạo ở Pháp. Năm nay, có 51 bác sĩ sẽ sang Pháp để thực tập chuyên môn tại các bệnh viện của Pháp, ngoài ra còn có các y tá nhiều chuyên ngành khác nhau. Đối tác của chúng tôi là các trường đại học y ở VN. Chương trình hợp tác này rất rộng và diễn ra tại nhiều thành phố như HN, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.

- Theo tôi biết thì năm 2012 Đại sứ quán Pháp cùng với trung tâm văn hoá pháp đã tổ chức 2 đêm Opera của nhà hát QG Paris vào tháng 03 tại Nhà hát lớn Hà Nội được khán giả đón nhận nhiệt liệt, vậy tôi xin hỏi trong năm nay 2013 nước Pháp có dự án Văn hoá nào tương tự? Xin trân trọng cảm ơn và chúc Ngài sức khoẻ!!! (Phương Lam, 29 tuổi, Hà Tĩnh)

- Năm 2013 chúng tôi còn làm nhiều hơn và tốt hơn như thế. Dự kiến tổ chức tại Nhà Hát Lớn và sân vận động Hà Nội hai buổi hòa nhạc. Trong buổi thứ nhất, dự kiến có sự tham gia của các ngôi sao ca nhạc của VN và Pháp, đêm thứ hai liên quan đến nhạc điện tử. Thứ 6 vừa rồi chúng tôi tham gia vào buổi hòa nhạc của Lê Cát Trọng Lý, rất thú vị. Năm nay chúng tôi cố gắng tổ chức nhiều hơn, không chỉ ở Hà Nội mà các địa phương khác nữa như Đà Lạt, TP HCM.

Hai vũ công ngôi sao của Nhà hát Opéra Paris biểu diễn cùng diễn viên Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam.

- Tôi nhận thấy sự ổn định kinh tế của Cộng hòa Pháp là tương đối tốt, không có nhiều sự biến động và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tại Pháp cũng không tác động lớn đối với xã hội. Ngài đánh giá gì về nền kinh tế của Việt Nam? Pháp có thể chia sẻ kinh nghiệm gì để nền kinh tế của Việt Nam từng bước thoát khỏi khủng hoảng và phát triển ổn định lâu dài, bền vững. (Nguyễn Trung Dũng, 52 tuổi, Thái Nguyên)

- Thực tế thì Pháp cũng hứng chịu ảnh hưởng nhất định của cuộc khủng hoảng kinh tế. Chúng tôi đang cố gắng nâng cao tính cạnh tranh và giảm thâm hụt ngân sách. Chính phủ đang tập trung vào vấn đề này. Có lẽ tôi không thể đưa ra lời khuyên cho Việt Nam. Theo nhận định của tôi, chính phủ Việt Nam cũng hiểu rất rõ những thách thức mà họ đang đối mặt. Những biện pháp mà chính phủ Việt Nam đưa ra đã góp phần vào việc ổn định nền kinh tế trong năm 2012.

- Xin chào ngài, rất vinh dự được trò chuyện và xin ý kiến của ngài. Tôi đang có con đang học năm thứ hai một trường đại học tại HN, vừa rồi cháu có thi đạt TCF trên 400 điểm. Gia đình tôi có nguyện vọng cho cháu đi du học bên Pháp nhưng chúng tôi chưa biết làm hồ sơ và gửi đi đâu, rất mong ngài cho sự chỉ dẫn. Xin trân trọng cám ơn ngài. (Thuynam, 50 tuổi, Hai phong)

- Chúng tôi thấy gia đình có ý định cho con đi du học Pháp là rất tốt vì nền giáo dục của chúng tôi được đánh giá tốt trên thế giới và chi phí rẻ hơn so với một số nơi như Australia. Để biết các thông tin về du học, xin mời chị đến Trung tâm Văn hóa Pháp nằm trên phố Tràng Tiền, HN.

- Đại sứ đã từng ăn tết cổ truyền tại Việt Nam chưa ạ? Hiện nay dư luận VN đang dấy lên tranh cãi sôi nổi về ý kiến nên gộp tết Dương Lịch với tết cổ truyền, dưới góc độ của một người am hiểu về văn hóa VN, Đại sứ có thể cho biết ý kiến cá nhân của mình về vấn đề này? (Trần Xuân Liên, 27 tuổi, TP HCM)

- Quan điểm của tôi rất rõ ràng là người VN cần giữ những gì là truyền thống của mình vì thế cần phải giữ Tết cổ truyền. Ở Paris những người yêu mến VN, rất vui khi đến khu vực của người châu Á để đón Tết của người châu Á một vài tuần sau tết dương lịch. Ngay ở Hà Nội, lễ Giáng Sinh người VN đánh giá cao hình ảnh ông già Noel. Chúng ta cần phải giữ được những gì là của mình, có thể mở cửa đón nhận những giá trị mới nhưng không để hòa tan.

Tôi đã ăn Tết ở Việt Nam 4 lần. Năm nay tôi tiếp tục ăn Tết ở Việt Nam. Đây là lần đầu tôi ăn tết ở Hà Nôi nên tôi rất mong chờ. Tôi rất mong chờ hình ảnh hiếm có ở Hà Nội mà mọi người đã nói với tôi, đó là sáng mùng 1 Tết rất vắng, rất khác so với cuộc sống hàng ngày. Khi chúng ta đi dạo phố trong ngày Tết mới thực sự cảm nhận thành phố thực sự là của mình. Tôi chắc chắn sẽ đi dạo phố trong dịp Tết.

- Xin chào ngài đại sứ, xin chúc ngài sức khỏe và hạnh phúc. Câu hỏi của tôi là: Ngài chịu áp lực gì khi làm Đại sứ toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam trong tình hình hiện nay? Ngài giải tỏa các áp lực đó thế nào? (nếu có) (Nguyễn Minh Sơn, 51 tuổi, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội)

- Có lẽ áp lực lớn nhất của tôi là ăn uống, bởi công việc đòi hỏi tôi phải ăn uống suốt ngày. Giải pháp của tôi là tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi để tập luyện thể thao. Chẳng hạn, tối nay tôi sẽ dạo phố và tối mai tôi sẽ đá bóng. Tôi thường chơi bóng với một đội gồm toàn người Pháp. Tiền vệ phòng ngự là vị trí mà tôi thường đảm nhiệm. Nhiệm vụ của tôi là ngăn chặn các đợt tấn công của đối phương.

Tối nay tôi sẽ đi dạo phố và tối mai tôi đi đá bóng với đội của FPT.

- Ông thích đội bóng nào? Ông có kế hoạch đưa đội bóng đá Pháp nào sang giao hữu ở Việt Nam không, trong năm nay chẳng hạn? (Tuân Minh, 23 tuổi, Hà Nội)

- Tôi thích câu lạc bộ Red Star (Sao Đỏ), đây là câu lạc bộ nổi tiếng ở phía bắc Paris, lâu đời thứ hai ở Pháp. Họ thi đấu ở giải hạng ba của Pháp. Tôi từng là thành viên ban giám đốc của đội tuyển này.

Việc đưa một đội bóng sang giao hữu đã có trong kế hoạch của năm nay. Chúng tôi đang bàn với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để đưa đội bóng Gaingamp đến giao hữu. Đội này từng đá với phía Việt Nam rồi.

- Ông có lời nhắn nhủ gì cho độc giả Việt Nam trong năm mới 2013? (Hoàng Văn Anh, 29 tuổi, Hải Phòng)

Tôi cảm ơn độc giả đã quan tâm đặt câu hỏi. Cuộc phỏng vấn này là trải nghiệm rất thú vị. Tôi cũng là độc giả thường xuyên của VnExpress, và đây là điểm chung giữa tôi với các bạn độc giả. Xin chúc quý vị năm 2013 an khang thịnh vượng.

VnExpress

Popular Posts

Được tạo bởi Blogger.